Parenting

Nghệ thuật làm cha mẹ

VietSpeech Research Project

“Cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại” - nhà ngôn ngữ học người Mỹ Noam Chomsky cho rằng, việc học ngôn ngữ có tính sinh học và diễn ra theo trình tự tự nhiên. Ông giải thích, mọi em bé đều có khả năng học bất cứ ngôn ngữ nào mà các em được tiếp xúc thường xuyên từ khi ra đời.

Đề tài nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Hồng Vân và nhóm nghiên cứu VietSpeech thuộc trường Đại học Charles Sturt – Úc về phát triển ngôn ngữ của trẻ em Việt Nam tại Úc đã tiến hành khảo sát, đánh giá ngôn ngữ và thử nghiệm hỗ trợ cho hơn 300 cá nhân, trong đó có hơn 150 gia đình có con em dưới 18 tuổi để đưa đến một thông điệp quan trọng tới các cha mẹ Việt đang còn nhiều lăn tăn trong việc giữ tiếng Việt cho con:

- Việc duy trì tiếng Việt không làm giảm năng lực tiếng Anh (hay các thứ tiếng bản địa khác) của con mà ngược lại còn có tác dụng tích cực.

- Hai yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ tiếng Việt cho con là: 

        + bố mẹ phải dùng tiếng Việt với con và,

        + bố mẹ có thái độ tích cực với việc duy trì tiếng Việt.

Khi trẻ bắt đầu đi học, môi trường tiếng bản địa sẽ "lấn át" tiếng Việt, gia đình gần như là nơi duy nhất trẻ có thể dùng tiếng Việt. Vì vậy, muốn giữ tiếng Việt cho con, bố mẹ cần lưu tâm bảo đảm thời gian ở gia đình là thời gian con nói tiếng Việt. Chính phủ Úc khuyên các bố mẹ hãy nói với con mình bằng thứ tiếng mình giỏi nhất. Vì vậy, hãy nói với con bằng tiếng Việt nếu tiếng bản địa không phải là tiếng mà bạn thông thạo.

Rõ ràng, để duy trì được tiếng Việt cho con, cần rất nhiều nỗ lực từ bố mẹ và sự đồng thuận phát triển của cộng đồng. Càng ý thức giữ gìn tiếng Việt từ sớm và có nguyên tắc thì con càng tiếp nhận dễ dàng và có được thứ phản xạ tiếng tuyệt vời.