Parenting

Nghệ thuật làm cha mẹ

Lợi ích của song/đa ngữ từ sớm

Trẻ biết hai hay nhiều ngôn ngữ có những lợi ích gì?

Nhiều bố mẹ có thể thấy câu hỏi này hơi…thừa vì những lợi ích của song/đa ngữ đã được bàn nhiều, và trở nên hiển nhiên với nhiều người. Song ngữ giúp tăng cơ hội nghề nghiệp, phá bảo rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp và công việc. Với các cộng đồng thiểu số sinh sống ở các quốc gia nói ngôn ngữ chính thức khác thì song/đa ngữ, trong đó có việc duy trì tiếng mẹ đẻ, giúp các thành viên trong gia đình kết nối với nhau, giúp con cháu duy trì sợi dây gắn bó với ông bà, quê hương bản quán, với gốc rễ của mình, và giúp các em hiểu được mình là ai.  Ngoài những lợi ích quá rõ ràng trên, song/đa ngữ từ sớm còn giúp ích gì cho trẻ?  Một số nghiên cứu tóm tắt dưới đây hi vọng sẽ cung cấp cho cha mẹ cái nhìn khoa học, đúng và đủ về phát triển song ngữ từ sớm lên tư duy và nhận thức của trẻ.


Gọi con bò là con chó có được không nhỉ?

Đây là một trong những câu hỏi các nhà nghiên cứu (1) đã hỏi các trẻ em song ngữ và đơn ngữ trong một nghiên cứu tiến hành năm 1972 nhằm tìm hiểu tác động của song ngữ lên nhận thức và cách thức tư duy của trẻ. Các bố mẹ có đoán được câu trả lời của các bé trong nghiên cứu này là gì không? Trong khi nhóm các bé đơn ngữ cho rằng điều này là không thể hay ngớ ngẩn thì các bé song ngữ lại nghĩ rằng có thể vì trong hai ngôn ngữ các bé nói, có hai từ khác nhau cùng chỉ con bò. Nghiên cứu này cho ta thấy điều gì? Thứ nhất, trẻ song/đa ngữ có xu hướng nhận ra tính võ đoán (*) của ngôn ngữ sớm hơn trẻ đơn ngữ. Thứ hai, trẻ song ngữ có thể nhận ra sự khác biệt giữa hình thức (vỏ ngôn ngữ) và ý nghĩa tốt hơn trẻ đơn ngữ. Thứ ba, trẻ song ngữ nhận thức về cơ chế và cấu trúc của ngôn ngữ sớm hơn trẻ đơn ngữ.

Từ những lợi thế về nhận thức ngôn ngữ từ sớm này, trẻ song ngữ đều và có trình độ cao ở cả hai ngôn ngữ có thể có tư duy sáng tạo tốt hơn những bạn đơn ngữ cùng tuổi, nghĩa là khi không giải quyết được một vấn đề bằng cách này, trẻ sẽ thử cách khác. Những lợi thế này có thể bắt nguồn từ việc để diễn đạt ý mình một cách rõ ràng và hiệu quả nhất trong từng tình huống giao tiếp, trẻ song ngữ sẽ đưa ra lựa chọn ngôn ngữ phù hợp, chuyển đổi qua lại giữa hai ngôn ngữ, kích hoạt một ngôn ngữ và hạn chế ngôn ngữ còn lạị (2). Cũng chính nhờ trải nghiệm với hai hệ thống diễn đạt khác nhau, trẻ song ngữ thường thấu hiểu quan điểm, suy nghĩ, nguyện vọng và ý định của người khác tốt hơn trẻ đơn ngữ cũng như nhạy cảm hơn với những yếu tố như âm điệu và tông giọng của người nói trong khi giao tiếp (3).

Các nghiên cứu khác về song ngữ với sự phát triển tư duy ở trẻ cũng cho thấy các trẻ song ngữ làm các bài tập liên quan đến trí nhớ tốt hơn trẻ đơn ngữ, biết khái quát hóa thông tin từ một hoạt động sang một hoạt động khác (4), biết đưa ra giả thuyết tốt hơn trẻ đơn ngữ, đồng thời nhận ra khác thông tin khác biệt hoặc trái ngược nhau nhanh hơn các bạn đơn ngữ (5). Một nghiên cứu nổi tiếng khác về thần kinh và ngôn ngữ  tiến hành năm 2004 tại Anh chỉ ra rằng việc phát triển song ngữ sớm làm thay đổi cấu trúc não bộ (6). Cụ thể, ở nghiên cứu này những đối tượng biết nói hai ngôn ngữ trước khi lên 5 tuổi có mật độ chất xám ở bán cầu não trái cao hơn những đối tượng đơn ngữ hoặc đạt song ngữ sau khi lên 10 tuổi.


Thế là chỉ có song/đa ngữ mới giúp con mình giỏi được?

Những nghiên cứu liệt kê trên đây khẳng định tác động tích cực của năng lực song ngữ từ sớm lên nhận thức, tư duy và sự phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng song ngữ không phải là điều kiện duy nhất để trẻ có được những lợi thế về nhận thức này. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng trẻ học âm nhạc từ sớm cũng có những nhận thức vượt trộị tương tự, chứng tỏ nhận thức của trẻ có thể được phát triển qua nhiều loại hình hoạt động và trải nghiệm khác nhau. Bên cạnh phát triển ngôn ngữ, trẻ cần được tham gia hoạt động khác để phát triển toàn diện về nhận thức, thể chất, tinh thần và cảm xúc. Trong hành trình nuôi dạy con cái nói chung, và nuôi dạy con song ngữ nói riêng, cha mẹ sẽ dễ dàng nghe về các ngộ nhận hay hiểu lầm nhiều hơn là kiến thức khoa học được kiểm chứng. Mong rằng cha mẹ đã tìm được một vài thông tin có giá trị trong bài viết này để tự tin hơn trong những quyết định liên quan đến việc nuôi con song/đa ngữ.

Bố mẹ  nào ngại đọc có thể xem video này của TED-Ed về lợi thế của một bộ não song ngữ nhé.

TED-Ed: The benefits of a bilingual brain

Đỗ Thị Xuân Hoa - Thành viên nhóm Stories of Vietnam

* Tính võ đoán là một đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ, chỉ mối quan hệ ngẫu nhiên, không lý do, không giải thích được giữa cái biểu hiện (chính tả, phát âm) với cái được biểu hiện (ý nghĩa, nội hàm). 


Tham khảo: 

1 Ianco-Worrall, A. (1972). Bilingualism and Cognitive Development. Child Development, 43(4), 1390.

2 Bialystok, E., & Martin, M. (2004). Attention and inhibition in bilingual children: Evidence from the dimensional change card sort task. Developmental Science, 7(3), 325-339.

3 Byers-Heinlein, K., & Lew-Williams, C. (2013). Bilingualism in the Early Years: What the Science Says. LEARNing landscapes, 7(1), 95–112.

4 Brito, N., & Barr, R. (2012). Influence of bilingualism on memory generalization during infancy. Developmental Science, 15(6), 812-816.

5 Bialystok, E. (2001). Bilingualism in development language, literacy, and cognition. Cambridge, UK: Cambridge        University Press.

6 Crinion, J., Noppeney, U., O'Doherty, J., Ashburner, J., Mechelli, A., Price, C., & Frackowiak, R. (2004). Neurolinguistics Structural plasticity in the bilingual brain. Nature, 431(7010), 757.