Culture

Văn hóa Việt

“Xin Chữ Đầu Năm…là gì hả mẹ?”

Tèo: Xin chữ đầu năm ạ? Nó là gì vậy mẹ? Vì sao phải xin? Ai cho hả mẹ? Tại sao? Why???

Thằng Tèo liên tục hỏi tôi dồn dập sau khi tôi nói cho nó kế hoạch Tết của gia đình. Tôi mỉm cười, khen nó:

Tôi: Good job, Tèo! Vậy thì ngồi ra đây, mẹ kể cho con nghe về tục xin chữ đầu năm của ông cha ta nhé!


Vậy là buổi chiều mùa đông hôm ấy của hai mẹ con tôi ngập tràn trong mùi giấy đỏ, mùi bút, mùi nghiên, làm tôi man mác nhớ lại những ngày tôi còn nhỏ, cũng như thằng Tèo, lon ton theo mẹ đi xin chữ.

Vì Sao Xin Chữ Đầu Năm?

Những ngày đầu xuân năm mới, đối với người Việt, là những ngày khởi đầu cho một năm với nhiều hy vọng về may mắn, tốt đẹp, thành công và khởi sắc hơn năm cũ.

Tục xin chữ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như mang phúc lộc may mắn về nhà. Khi những con chữ được mang về nhà, chúng sẽ được treo vào nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ ngắm nhìn, để cầu mong sự thành đạt trong cuộc sống, trong học hành và thi cử.

Xin chữ đầu năm còn là một cách thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức. Chỉ khi coi trọng đạo đức, thành kính với thầy cô, người ta mới có được những bước tiến lớn hơn trên con đường học hành.

Ai Là Người Cho Chữ?

Xa xưa, người cho chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Đây là một tầng lớp tinh hoa trong xã hội và được người đời kính trọng. Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn, đức độ và tài năng.

Vào thời hoàng kim của nền Nho học, vào mỗi dịp Tết đến, các ông đồ hay chữ mặc áo the, đầu đội khăn xếp lại bày giấy bút niềm nở đón những người tới xin chữ. Chữ của những ông đồ danh tiếng được các thành viên trong gia đình trân trọng, có thể truyền lại cho nhiều thế hệ trong niềm tự hào của gia đình.

Cho đến khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nền Nho học bắt đầu suy tàn trước công cuộc Tây hoá cùng với cái chết của nền khoa cử phong kiến, hình ảnh các ông đồ phai nhạt dần vào mỗi dịp Tết để lại tiếc nuối trong những tâm hồn hoài cổ. Cảm xúc ấy được nhà thơ Vũ Đình Liên thể hiện cô đọng trong bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng viết năm 1936:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

…………..

“Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ”

Ngày nay, người cho chữ (ông đồ) bên cạnh là những bậc cao niên am hiểu về văn hoá, tinh hoa của nghệ thuật thư pháp còn là những bạn yêu mến nghệ thuật này, có tài năng viết chữ đẹp và muốn lưu giữ cũng như giới thiệu tới các thế hệ trẻ ngày nay về lịch sử chữ Nho, về dấu ấn một thời lều chõng đi thi của các sĩ tử trong lịch sử.

Hình ảnh các thầy đồ xưa đang chăm chú viết chữ

Hình ảnh trình diễn thư pháp

Ai Là Người Xin Chữ?

Người xin chữ có thể là bất cứ ai từ người già đến các bạn nhỏ. Những người cha, người mẹ thì thường hay xin chữ “An”, chữ “Phúc” cho toàn thể gia đình; người kinh doanh thì thường xin chữ “Hưng”, chữ “Thịnh”, chữ “Lộc”, chữ “Tín”; người đi học thường xin chữ “Tài”, chữ “Trí”, chữ “Đạt”; người cầu sức khỏe sống lâu thì xin chữ “Thọ”…; người muốn rèn khả năng chịu đựng thường xin chữ “Nhẫn”.

Nói thêm về thời xưa, khi mối quan hệ xã hội mang đậm tính chất tình cảm thuần tuý, khi nhận chữ xong, người xin chữ thường biếu tặng lại ông đồ một ít nông sản như cân khoai, nải chuối, nhánh cau, cân gạo nếp. Ngày nay, xã hội đã nhiều phần thay đổi, tiền thường được dùng để người xin chữ biếu tặng người cho chữ thay lời cảm ơn.

Chữ “Đức” được viết một các mềm mại, đẹp đẽ, đầy sáng tạo

Hình ảnh chữ Quốc ngữ được ông đồ viết tặng các cháu vào dịp Tết đến, xuân về

Vì Sao Chữ Viết Thường Là Chữ Nho (hay còn gọi là chữ Hán)?

Ông cha ta đã sử dụng chữ Nho trên cả ngàn năm, bao nhiêu nét văn hóa tinh túy của nước nhà đều được chữ Nho truyền tải trong đó. Mỗi chữ Nho đều được người dân xem trọng và ca tụng là “chữ thánh hiền”. Do đó, người dân rất quý trọng chữ Nho, xem như học được một chữ là đã thành người rồi.

Chính vì có cả ngàn năm lịch sử lại chất chứa trong đó rất nhiều ý nghĩa, nên mỗi câu đối, mỗi chữ Nho đều mang những thông điệp đến với gia đình và bản thân người chơi chữ. Cái đẹp của chữ nghĩa không phải chỉ là cái đẹp của đường nét, bố cục mà còn là cái đẹp của sự kết hợp hài hoà của Thư - Nhạc – Họa và của Tâm - Trí - Khí.

Ngày nay, bên cạnh chữ Nho, chữ Quốc Ngữ (là Tiếng Việt hiện nay) cũng được các “ông đồ” viết vào mỗi dịp năm mới.


Trong không khí Tết Nhâm Dần 2022, bên cạnh cành đào, chén trà, ly rượu và ẩm thực truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…, cùng gia đình con cái kể về tục xin chữ, chơi chữ của người xưa để thấy ông cha ta thật trí tuệ, uyên bác. Hoài vọng về những điều đẹp đẽ xưa cũ cũng là một cách để cầu mong một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và tràn đầy may mắn.